Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Review về phương pháp nghe chép chính tả

Có nhiều bạn để lại comment hỏi mình về hiệu quả thực sự của việc nghe - chép chính tả (transcribing). Mình nghĩ nhiều bạn ôn thi IELTS cũng đang băn khoăn vấn đề này nên mình sẽ chia sẻ ở bài viết này nhé!

Trước hết, luyện nghe IELTS nghe - chép chính tả là phương pháp phù hợp với các bạn ở trình độ beginner. Phương pháp này có 3 tác dụng chính:
- Giúp bạn "bắt" từ tốt hơn. Tức là ít nhất bạn phải nghe được đoạn audio đang nói cái gì đã. Nhiều bạn có trình độ nghe hạn chế do không "giải mã" được chuỗi âm thanh liền tù tì trong audio. Một phần là do các bạn "quen" phát âm sai nên không thể bắt được từ (dù toàn những từ quen thuộc, nhìn mặt chữ sẽ hiểu ngay). Một phần là do tiếng Anh có trọng âm từ, trọng âm câu, nối âm, giản lược âm, ngữ điệu lên xuống... chứ không đều đều, tròn vành rõ chữ như tiếng Việt. Tóm lại, việc nghe - chép chính tả sẽ giúp bạn giải mã từng từ (hoặc cụm từ đơn lẻ) tốt hơn.
- Giúp bạn học từ mới. Khi nghe đi nghe lại một từ mà vẫn không "giải mã" được thì khả năng là bạn không biết từ đó. Vậy hãy chuẩn bị sẵn một quyển note và ghi lại nhé. Đương nhiên, đây không phải cách học vocabulary tối ưu nhưng nó cũng có hiệu quả nhất định.
- Giúp bạn hạn chế lỗi chính tả. Khi phải chép nhiều thì bạn sẽ quen tay hơn, và nếu chịu khó so sánh với transcript thì bạn sẽ nhận ra các từ hay viết sai để luyện tập. Nhưng đương nhiên bạn nào chăm thì mới làm được điều này  :))
Chốt lại, nếu bạn bắt đầu làm quen với listening thì việc chép chính tả có một vài lợi ích như vậy. Tuy nhiên, nó có thực sự hiệu quả với các level cao hơn không? Mình sẽ không khẳng định là "có" hay "không", vì mỗi người có một phong cách học tập khác nhau. Nhưng mình sẽ phân tích một số hạn chế của phương pháp này để các bạn có cái nhìn bao quát hơn:
- Nghe - chép chính tả chỉ giúp bạn bắt được nghĩa đen của câu chữ. Tức là nghe được người ta đang nói từ gì, câu gì, chứ chưa phải là nghe hiểu (listening comprehension). Mà trong bất cứ bối cảnh nào, dù là giao tiếp thông thường hay làm bài thi IELTS Listening, nghe hiểu mới là mục đích cuối cùng.
- Nghe - chép chính tả khiến bạn phải tập trung "giải mã" từng từ đơn lẻ. Điều này làm bạn xao nhãng, khó tập trung vào ý nghĩa tổng quát của cả câu/cả đoạn; và vô tình cản trở việc nghe hiểu. Khi nghe hiểu, không ai cố nghe từng từ một cả mà phải nghe lấy ý, chỉ nên tập trung vào các key words và cần có những phỏng đoán nhất định về nội dung (educated guessing).
- Nghe - chép chính tả rất mất thời gian (bạn nào từng luyện tập theo phương pháp này đều biết). Nhưng với các bạn đã có nền tảng về listening, tức là không gặp nhiều vấn đề với việc "bắt âm" và đã có một vốn từ vựng kha khá, các bạn nghĩ phương pháp này có thực sự cần thiết không? Và có đáng để đánh đổi một lượng thời gian lớn như vậy không? Mình nghĩ là mỗi bạn sẽ tự có câu trả lời.
Xem thêm bài viết: 


Chúc các bạn học tốt và tìm được phương pháp phù hợp nhất với mình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét